Những điều nên và không nên khi sử dụng điều hòa.

25-03-2014, 9:07 am

Máy điều hoà đang trở thành thiết bị quan trọng và dễ sử dụng với khá nhiều gia đình, nhưng với một vài thao tác sai lầm có thể khiến sản phẩm này nhanh chóng xuống cấp. Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, không ít người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu. Do đó những giải pháp tăng tuổi thọ, cũng như bảo quan an toàn cho các thiết bị trong gia đình, để hạn chế bớt những khoản phát sinh là vấn đề đang được nhiều người quan tâm.

Một vài lời khuyên của các chuyên gia đưa ra sau đây sẽ phần nào giải đáp được những thắc mắc trên.

1. Những điều cấm kỵ trong quá trình sử dụng điều hòa

Điều cấm kỵ đầu tiên mà người sử dụng điều hoà nên tránh là không sử dụng máy phát điện để chạy điều hoà.

- Hiện nay, do nhu cầu sử dụng thiết bị điện tại những khu vực điện áp không ổn định, hoặc thiếu nguồn điện đã xảy ra tình trạng mất điện thường xuyên (đặc biệt là trong mùa nắng nóng). Vì vậy, để khắc phục điều này, nhiều gia đình đã sử dụng máy phát điện cho điều hòa không khí. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc làm này có thể khiến điều hoà dễ bị hỏng hóc.

 


- Lý giải về điều này, chuyên gia của Panasonic cho biết, thực tế tần số điện của máy phát có thể sai khác với tần số điện vào của điều hòa. Sự khác biệt này sẽ dẫn đến việc điều hòa không chạy được. Đặc biệt, điện áp ra của máy phát không ổn định (có thể cao hoặc thấp) nên dễ gây chập, cháy máy nén hoặc bo mạch điều hòa.

- Cũng theo các chuyên gia tư vấn của Panasonic, với những trường hợp gặp sự cố như vậy, nhà sản xuất sẽ không chịu trách nhiệm (cho dù điều hoà vẫn đang trong thời gian bảo hành). Chính vì vậy, khách hàng khi sử dụng cần lưu ý để tránh những trường hợp hư hỏng đáng tiếc xảy ra.

- Để giúp máy điều hoà có thể bền hơn, một số vấn đề cực kỳ quan trọng khác được các chuyên gia lưu ý, đó là cách chăm sóc và bảo quản thiết bị.

- Lâu nay, người sử dụng điều hoà thường ít quan tâm đến việc phải bảo trì giàn tản nhiệt (được để ở ngoài trời), mà chỉ lo lau chùi các thiết bị làm mát như quạt gió… Đây là một điều cực kỳ sai lầm.

- Theo các chuyên gia của Panasonic, người sử dụng điều hoà nên lau rửa giàn tản nhiệt ít nhất mỗi năm một lần, để bảo đảm đường thông gió không bị chặn bít. Bởi khi chúng ta không quan tâm vệ sinh thiết bị này sẽ khiến giảm hiệu quả làm lạnh, giảm độ bền máy nén, và ảnh hưởng đến chi phí điện.

- Về chăm sóc điều hoà sau khi khách hàng mua và sử dụng, các chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý, không sử dụng các thiết bị phát nhiệt nào gần máy lạnh. Nguyên nhân, các bộ phận bằng nhựa của máy lạnh có thể bị biến dạng do nhiệt độ cao.

Cùng với những lưu ý trên, ngoài chức năng làm mát phòng, người dùng cũng cần trách sử dụng điều hoà vào các mục đích khác, như làm khô quần áo, bảo quản thực phẩm, nuôi giữ thú vật hoặc canh tác rau quả, vv...Bởi những cách này sẽ khiến gia đình bạn tổn thất điện năng lớn.

2. Và những điều nên thực hiện:

- Về cách lắp đặt: Theo lời khuyên của các nhà cung cấp, tùy vào kiến trúc nội thất trong phòng mà người sử dụng cần bố trí giàn lạnh phù hợp. Theo kinh nghiệm, giàn lạnh phải treo đủ cao (trên 2.5m) để gió lạnh có thể lan tỏa đều trong phòng. Tránh hướng gió thổi trực tiếp vào vị trí ngồi ở phòng khách hoặc giường ngủ vì rất dễ gây khó chịu và cảm lạnh.

- Còn đối với giàn nóng, nên treo ở nơi thông thoáng không trực diện với hướng chiếu mặt trời, vị trí phải dễ ra vào thao tác sửa chữa vệ sinh máy, ống ga. Khoảng cách giữa giàn nóng và giàn lạnh càng gần càng tốt. Chênh lệch độ cao không quá 5m để tránh giảm công suất lạnh của máy.

- Ngoài ra, sau khi tắt máy (hoặc sự cố mất điện) người sử dụng phải đợi 2 phút sau mới được mở điều hòa, bởi nếu chưa đủ 2 phút đã mở máy thì sự thăng bằng áp lực của hệ thống chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, lúc ấy khởi động máy thì máy không hoạt động, dòng điện tăng lên rất lớn, sẽ cháy cầu chì hoặc nhẩy áp tô mát, hại máy hoặc hỏng máy điều hoà nhiệt độ.

- Một điều người sử dụng cũng cần đặc biệt chú ý là về mùa hè sau khi máy hoạt động, nhiệt độ sẽ phải hạ xuống nhanh (dưới 30 độ C). Vì vậy, nếu sau một lúc lâu mà nhiệt độ không hạ xuống (dưới 30 độ C), như vậy máy sẽ chạy lâu và quá tải dễ phát sinh sự cố và tuổi thọ máy sẽ giảm. Vì vậy trong trường hợp này phải tìm ra nguyên nhân vì sao máy chạy lâu mà phòng không hạ nhiệt độ, sửa chữa loại trừ nguyên nhân gây ra hiện tượng trên rồi mới sử dụng.

Theo Vnmedia

Tags: điều hòa, giàn nóng, giàn lạnh, hoạt động


Chia sẻ:

Bài viết liên quan