Khóc dở, mếu dở vì mua phải điều hòa "rởm".

02-07-2014, 8:01 am

Trời nóng, các cửa hàng bán thiết bị chống nóng như: quạt tản gió, điều hòa... đang "nóng" theo thời tiết. Tuy nhiên, không ít người lại "khóc dở mếu dở" khi tiền mất, mua phải điều hòa "rởm"...

Đi mua điều hoà... "hạ nhiệt"

Những đợt nắng vừa qua làm cho thị trường điện lạnh Hà Nội đã nhanh chóng khởi động. Dãy phố điện tử Hai Bà Trưng, Quang Trung, các cửa hàng điện máy điện lạnh dọc phố Huế cửa hàng nào cũng ăm ắp tủ lạnh, điều hòa, máy làm mát, quạt máy... với đủ các nhãn hàng liên doanh như: Panasonic, Samsung, Deawoo, Toshiba, LG và những đồ hiệu cao cấp nhập từ các nước cùng khu vực Thái Lan, Malaysia, Philippines...

Vài ngày trở lại đây, doanh số của các cửa hàng điện lạnh trên phố Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Hai Bà Trưng (Hà Nội) tăng hơn thường lệ. Tại các siêu thị điện máy, cửa hàng... lượng người đến mua máy điều hòa ngày một đông. Chị Thuận (Thanh Xuân Bắc, HN) nói: "Mấy ngày hôm nay, thời tiết oi bức, mọi sinh hoạt như bị đảo lộn. Nhà có trẻ nhỏ, sợ cháu nóng quá không chịu được nên vợ chồng tôi đã đi mua một chiếc điều hòa về lắp để chống nóng”. Chị Hà (Đại Từ, HN) cho biết, vợ chồng chị thuê một căn hộ nhưng mái tôn rất nóng. Mấy ngày vừa qua, thời tiết Hà Nội 35-36 độ, nhà có 3 cái quạt hoạt động hết công suất để hạ nhiệt. Chị bảo: "Cứ cái đà này gia đình tôi phải mua điều hoà, chứ nóng nực thế này trẻ con chịu sao nổi. Nhưng với giá điện 3.000 đồng / số dùng chung với công tơ chủ nhà, mà gia đình chị đang phải trả cũng trở thành... nỗi ám ảnh. Giá điện cao ngất ngưởng, lắp thêm cái điều hoà thì cũng "ngốn" hết cả tháng lương". Không riêng gia đình chị Thuận, chị Hà mà rất nhiều gia đình khác đã chuẩn bị sẵn tâm lý ứng phó với mùa hè năm nay.

Ông Quang, chủ cửa hàng điện máy trên phố Nguyễn Lương Bằng hồ hởi cho biết: "4 ngày nay, mỗi ngày chúng tôi bán được khoảng 3 chiếc điều hòa, 2 quạt hơi nước. Đông khách, song hàng hoá vẫn dồi dào. Nếu trời vẫn tiếp tục nóng, lượng hàng bán ra sẽ tăng gấp đôi". Để đối phó với mùa hè được nhận định là khắc nghiệt năm nay, nhiều gia đình đã tìm mua những sản phẩm "hạ nhiệt" từ bây giờ. Các loại máy lạnh, quạt máy, quạt phun sương, gối nệm nước, tấm lợp chống nóng là những thứ hàng khách tìm mua nhiều nhất. Nhiều cửa hàng dự tính, sức mua của mùa hè năm nay sẽ tăng 30%. Ghi nhận tại một cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng, khách đến tìm mua nhiều nhất là các loại máy lạnh có mức giá từ 3,8- 8, 5 triệu đồng/máy, quạt sạc điện 600-900 nghìn đồng... Những năm trước, quạt hơi nước là mặt hàng khá được ưa chuộng vì giá thành rẻ. Tuy nhiên, theo một nhân viên bán hàng cho hay, quạt hơi nước không tiện dụng và kém hiệu quả. Các loại quạt đảo gió hiện nay bán khá chạy.

 

 

Người dân đổ xô đi mua máy điều hoà chống nóng.

Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường Hà Nội, giá điều hòa nhiệt độ chưa biến động. Chiếc LG hai chiều công suất 9.000 BTU có giá 4, 6 triệu; loại 12.000 BTU giá 6 triệu. Funiki rẻ hơn, 4, 3 triệu đồng cho điều hòa công suất 9.000 BTU và 5, 2 triệu đồng cho 12.000 BTU. Điều hòa nhập khẩu nguyên chiếc có giá tương đương hàng sản xuất trong nước. Mấy ngày vừa qua, khách đông, hàng hóa bán chạy, nhưng theo giới kinh doanh, không hề có tình trạng "cháy hàng", đội giá. Một cán bộ Công ty Xuất nhập khẩu á Đông, cho biết: "Chúng tôi chuẩn bị lượng máy điều hòa nhiệt độ và tủ lạnh các loại với số lượng lớn, đặc biệt là hàng Thái Lan để phân phối xuống các đại lý. Giá vẫn chưa có biến động".

Chị Tâm, Cty Điện tử Viễn thông Hà Nội, một đơn vị phân phối các loại máy điện tử, điện lạnh cho biết: Mọi năm, giữa hè, mỗi ngày mặt hàng điều hòa của siêu thị VDIC bán được 15-20 chiếc, đột biến có ngày 50 chiếc. Hàng bán chạy, khách hàng phải chấp nhận không hưởng dịch vụ vận chuyển và lắp đặt khi mua hàng của công ty, đồng ý tự chở máy về nhà và thuê dịch vụ lắp đặt. Bây giờ mới đầu hè,  sức mua chưa tăng mạnh, giá cả các mặt hàng này tương đối ổn định, không xảy ra hiện tượng thừa cơ tăng giá bất thường. Các siêu thị, cửa hàng chuyên đồ điện lạnh đều giữ giá.

"So bó đũa chọn..." hàng rởm"

Một lần, khi đến Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tìm hiểu thông tin về đồ chơi trẻ em Trung Quốc, ông Trịnh Văn Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cũng đã rất bức xúc khi nói về hàng điện lạnh bị làm nhái, làm giả qua đường nhập lậu trên thị trường Hà Nội. ông Ngọc khẳng định: "Hàng nhập lậu về từ Trung Quốc giá chỉ bằng một nửa hàng thật. Tuy nhiên lại được dán nhãn các hãng nổi tiếng như Panasonic, LG, Nikko, Toshiba, Samsung..., bán trà trộn với hàng thật”. Hình thức, mẫu mã các loại hàng nhái, hàng giả không khác gì so với hàng thật. Cũng theo ông Ngọc, hàng được các đầu nậu chuyển từ các khu vực cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn... về Hà Nội.

Theo thông tin mà vị Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cung cấp: "Cùng là loại điều hoà 2 cục một chiều hiệu Panasonic, công suất 12.000 BTU, có nơi giá là 10 triệu đồng /chiếc, có nơi thì giá chỉ có 6 triệu đồng /chiếc". Vậy tại sao lại có sự chênh lệch như vậy?- tôi hỏi. "Hàng Trung Quốc được nhập lậu về, các cửa hàng chỉ cần dùng đề can dán nhãn mác thật vào là y như thật. Chỉ khi máy có vấn đề, mang đến trung tâm bảo hành của hãng mới "ngã ngửa" là hàng rởm", ông Ngọc cảnh báo.

Trong vai khách hàng đi mua máy điều hoà, chúng tôi đã có một cuộc khảo giá ở nhiều cửa hàng, siêu thị điện tử, điện lạnh nằm trên các tuyến phố của Hà Nội như: Hai Bà Trưng, phố Huế, Giải Phóng, Bà Triệu, Quang Trung... Giá mỗi nơi mỗi khác, còn chất lượng thì không biết đâu mà lần. Cùng là loại điều hoà loại 12.000 BTU của hãng Toshiba có nơi giá bán 10 triệu đồng, nơi khác giá là 6 triệu đồng /chiếc. Khi xem hàng, chúng tôi không thể phân biệt được, đâu là hàng giả, đâu là hàng của "chính hãng". Bởi lẽ về mặt hình thức, mẫu mã các loại hàng nhái, hàng giả không khác gì so với loại hàng "xịn". Đem băn khoăn này hỏi anh Vinh - một chủ cửa hàng có thâm niên trong nghề kinh doanh, lắp đặt và sửa chữa điều hoà, mỗi chiếc nhập lậu, trừ đi các khoản chi phí, chủ đầu nậu vẫn thu về trên dưới 3 triệu đồng /chiếc, tuỳ loại. Đặc biệt, khu "chợ trời" ở phố Huế, khách yêu cầu loại gì có ngay loại ấy. Dưới mác hàng chính hãng Panasonic, LG, Nikko, Toshiba, Samsung..., nhiều người cũng đành tặc lưỡi. Anh Vinh bảo, nếu không có nghề, không "bóc" máy ở bên trong ra xem thì đến thợ chuyên nghiệp cũng... bó tay. Anh Vinh không ngần ngại khi thông tin cho chúng tôi về những dòng sản phẩm nhái. Anh bảo, điển hình là hai dòng Panasonic và National. Hàng biên giới nhập về Hà Nội rồi dán tem, nhãn. Bây giờ mánh khoé mới là phun sơn thẳng lên như hàng xịn. Panasonic trên thị trường bị làm giả bằng cách đổi ruột hoặc thay mác. Thế mới có chuyện, điều hoà Panasonic sản xuất tại Trung Quốc với giá khá hời, máy 12.000 BTU chỉ có 4 triệu đồng!

Chị Hằng (Hồng Mai, HN) gặp cảnh trớ trêu khi mua điều hoà. Chị mua một chiếc điều hòa Midea tại một cửa hàng trên phố Nguyễn Lương Bằng với giá 4, 5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau 2 ngày, chiếc điều hoà không làm lạnh, chị quay lại thắc mắc và yêu cầu bảo hành thì được nhân viên cửa hàng khất lần không chịu bảo hành. Mang điều hòa đến cửa hàng chuyên sửa chữa thì mới "té ngửa" là điều hòa "rởm".

Đại diện Phòng nghiệp vụ tổng hợp của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, lực lượng đi trinh sát phải rất vất vả mới làm rõ những mánh khoé làm ăn của các chủ hàng. Để qua mặt lực lượng kiểm tra, sau khi tách rời các bộ phận, chúng vận chuyển hàng lậu trên các tuyến xe khách liên tỉnh như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Nghệ An đi Hà Nội... mỗi chuyến chúng chỉ vận chuyển 2 đến 3 chiếc điều hoà. Sau khi hàng về tới Hà Nội, chúng tung một đội quân chuyên đi thu gom tất cả vỏ hàng máy lạnh xịn, bao bì của các hãng nổi tiếng, rồi đóng gói, dập lại số sê ri. Khi hàng lậu đã nằm trong cửa hàng rồi thì khó có thể phát hiện và người dân chỉ biết "may hơn khôn" mà thôi!

Theo ĐS&PL

 

Tags: điều hòa, máy điều hòa, mua điều hòa, giá điều hòa


Chia sẻ:

Bài viết liên quan